Chỉ khi bạn học cách cho đi hết lòng thì bạn mới biết về sự sống trong sự toàn vẹn của nó. Thầy nói về việc vượt qua những toan tính và sự keo kiệt của đầu óc và trái tim.


Sadhguru: Những phong trào vĩ đại, những cuộc cách mạng, những hiện tượng phi thường đã thay đổi cuộc sống con người trên hành tinh này đã xảy ra không phải do một thứ gì đó như sấm sét từ trên trời giáng xuống. Khi có được sự chú tâm cần thiết, những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, được thực hiện bởi một số ít người, đã phát triển thành một quá trình phi thường.

Nếu bạn dành cho nó đủ sự chú tâm và năng lượng cần thiết, những gì đang rung động trong trái tim con người – những suy nghĩ và cảm xúc của một người – có thể truyền cảm hứng cho cả thế giới. Ví dụ, Mahatma Gandhi bắt đầu phong trào của mình chỉ với một số ít người. Số ít người này đã tăng lên thành triệu người trong một thời gian ngắn và đã trở thành một phong trào lớn.

Nếu bạn dành sự chú tâm, sự tập trung và năng lượng cần thiết cho những điều nhỏ nhặt, nó có thể khiến một nắm tuyết trở thành những trận lở tuyết lớn. Chỉ là vì bình thường, hầu hết mọi người không có đủ đam mê để chú tâm liên tục đến một điều gì đó. Họ không có sự chú tâm liên tục, nên không tạo thành một dạng động lượng. Nhưng nếu bạn có sự chú tâm đầy đủ đến một ý tưởng, suy nghĩ hoặc cảm xúc, nó có thể trở thành một quá trình phi thường đối với một cá nhân và cho cả nhân loại.

 

Quá keo kiệt trong cuộc sống

Một lý do vì sao phần lớn nhân loại sống một cuộc sống tầm thường là bởi vì họ keo kiệt và bủn xỉn về mọi thứ. Họ không thể cười hết mình hoặc thể hiện bản thân một cách trọn vẹn. Khi bạn keo kiệt như vậy, cuộc sống cũng trở nên rất dè xẻn với bạn. Ngay cả khi bạn ngồi thiền trong một nghìn năm, nó sẽ chỉ đem lại rất ít kết quả bởi vì bạn đã quá keo kiệt.
 

Bạn không thể trao bản thân mình cho bất cứ điều gì một cách tuyệt đối - đó là toàn bộ vấn đề.

Đây là chuyện đã xảy ra không phải ở kiếp này mà là ở kiếp trước, Shankaran Pillai là một anh chàng vô cùng keo kiệt. Một ngày nọ, ngôi nhà của anh ấy đã bốc cháy – vì vậy anh ta đã để lại hai cuộc gọi nhỡ cho Trạm cứu hỏa!

Tôi thấy mọi người làm điều này ngay cả với tôi. Đó không phải là nỗi sợ hãi của con người. Đó không phải là nguy cơ sắp xảy ra khi bạn bị nuốt chửng bởi thứ gì đó mà làm giới hạn bạn. Đó là sự tính toán. Những tính toán của một kẻ hà tiện quả là không có giới hạn – chúng cứ thế tiếp diễn. Nếu họ có một loại quả nào đó, họ muốn cắt nó thành một triệu mảnh và tặng một phần triệu của quả đó cho người khác. Việc cắt một loại trái cây thành hàng triệu mảnh có thể mất nửa đời người. Đó là những gì đang xảy ra. Để cho đi ít thôi, người ta cũng mất cả đời. Bởi vì điều này, không có điều gì xảy ra đối với họ. Bạn có thể tới bất kỳ đạo tràng nào, gặp bất kỳ đạo sư nào, tới bất kỳ đền chùa nào và thực hiện bất kỳ nghi lễ nào, bạn đứng bằng đầu, bạn ngồi thiền - chẳng điều gì xảy đến với bạn; bởi vì bạn quá keo kiệt. Bạn không thể trao bản thân mình cho bất cứ điều gì một cách tuyệt đối - Toàn bộ vấn đề chỉ có vậy. Cuộc sống này xảy ra trong một sự toàn vẹn nhất định. Chỉ những người cho đi toàn bộ mới biết cuộc sống trong sự toàn vẹn của nó. Những người khác thì sẽ không biết được điều đó.

 

Hệ quả của Sự toan tính

Khi người ta cần phải có được một cái gì đó, họ mất hết logic. Khi họ phải cho đi một cái gì đó, họ sẽ trở nên hoàn toàn có lý! Sự tính toán này đang giết chết loài người. Sự tính toán quá mức về mọi thứ đã khiến con người – vốn có thể sống như những bông hoa thơm ngát – lại trở nên gai góc. Nếu bạn hỏi họ, “Tại sao?” “Bạn biết đấy, tôi đã bị gai đâm ngày hôm qua, vì vậy bây giờ tôi là một con nhím.” Khi cảm giác toan tính này đi vào tâm trí con người, họ không cần phải nhảy xuống núi. Dù sao họ cũng đang sống dở chết dở. Họ đã và đang trên con đường của sự tự sát.

Mọi người cứ hỏi tôi câu này: “Tất cả chúng ta đều đến từ cùng một nguồn. Tại sao người này phát triển nở rộ còn người kia thì không?” Đơn giản là vì họ đang để dành cho tương lai. Điều này giống như một con chó luôn bơ phờ, giấu xương của nó ở đây và ở kia và sau đó quên mất cái xương ở đâu. Con người đã cất giấu tất cả những bản tính tuyệt vời của mình, cất giữ sâu thẳm trong mình cho tương lai vì họ sẽ lên thiên đường và họ muốn được yêu thương và vui vẻ ở đó!
 

Nếu bạn neo giữ con thuyền ở cảng hoặc bến tàu, điều đó thì rất an toàn, nhưng thật không may, con thuyền không được làm ra chỉ để giữ trong cảng. Một con thuyền được chế tạo để lướt trên các đại dương. Những người không ngừng cố gắng để được an toàn và để dành tất cả những gì họ có cho tương lai, những người không biết đến hiện tại, thì tương lai sẽ đến với họ ở nơi đâu? Nếu bạn đang bỏ lỡ hiện tại, khi tương lai đến, điều gì khiến bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bỏ lỡ nó?

Có một câu chuyện về Phật Thích Ca. Đây không phải là một câu chuyện có thật. Đó chỉ là một câu chuyện. Họ kể rằng khi Đức Phật Thích Ca đạt tới niết bàn và đi tới cánh cổng của sự giải thoát tối thượng (mukti), lưng của ngài hướng về phía cổng, không phải mặt ngài. Thế nên họ hỏi, “Thưa Đức Phật, vì sao suốt đời ngài luôn gặp phải vấn đề này? Trong cuộc sống, mọi người đều cố gắng để trở thành vua chúa, mọi người đều muốn kiếm nhiều tiền và được sống trong cung điện. Thế mà ngài đã làm ngược lại. Ngài đi từ một vị vua trở thành một kẻ ăn xin, từ sống trong cung điện sang sống trong tột cùng của nghèo khổ. Ngay cả chuyện này, ngài cũng đang đi lùi. Bây giờ, vì dù sao ngài đã sống tốt, chúng tôi đã mở cánh cửa giải thoát tối thượng cho ngài. Tại sao ngài quay lưng lại với nó?” Đức Phật liền đáp, “Tôi không có ý định vào cổng, đó là lý do tại sao tôi nhìn hướng khác. Tôi đợi cho mọi người đi qua trước khi tôi đi. Tôi không hề vội. Tôi nghĩ rằng việc tôi vượt qua trước khi những người khác đi là hơi thiếu thẩm mỹ.”

Mọi người luôn cố gắng tìm ra một giải pháp nhanh chóng để giải thoát bản thân khỏi sự keo kiệt của đầu óc và trái tim họ. Có bao nhiêu người trong số các bạn trong 24 giờ qua, đã cười với ai đó hoặc điều gì đó đến nỗi bạn đã trào nước mắt? Tại sao bạn lại rất keo kiệt với nụ cười của mình? Bạn sẽ không bị mất nước nếu bạn rơi một vài giọt nước mắt. Vấn đề là ở sự toan tính. Bạn muốn những giải pháp. Không có giải pháp nào. Sự hoà tan chính là giải pháp cuối cùng. Nếu bạn hòa tan chính mình vào trong quá trình bạn hít thở và sinh sống ở đây, thì bạn sẽ là giải pháp cho mọi thứ.

 

Hòa tan trong sự Cho Đi

Sự hòa tan sẽ không xảy ra nếu có sự tính toán. Sự hòa tan sẽ xảy ra bằng việc cho đi - hãy cứ cho đi mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của bạn. Hãy trở thành một quá trình của sự cho đi. Nếu điều đó không xảy ra, bạn sẽ không hòa tan được. Nếu bạn không hòa tan, sẽ không có giải pháp nào.

Tôi muốn bạn thử làm điều này: Trong 24 giờ tới, bạn phải trải nghiệm ít nhất một khoảnh khắc mà ở đó bạn đã cho đi toàn bộ. Bạn phải cho đi theo cách mà mọi thứ trong bạn sẽ tan chảy ra. Một khoảnh khắc cho đi trong vòng 24 giờ. Bạn có thể làm được điều đó không?

Nguồn bài viết: https://isha.sadhguru.org/us/en/wisdom/article/total-giving-total-living