
Bài viết được Viisha dịch từ một đoạn trong sách "Of Mystics and Mistakes". Bài viết được chuyển ngữ theo ngôn ngữ của người dịch, do đó chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc có thể tìm mua sách Of Mystics and Mistakes để tham khảo thêm.
Bề mặt cằn cỗi của mặt trăng có liên quan gì đến những điều thần bí? Chính quá trình sinh ra của con người, quá trình hình thành cơ thể, có mối liên hệ rất sâu sắc với các chu kỳ của mặt trăng. Như bạn đã biết, quá trình sinh sản ở phụ nữ có liên quan rất lớn đến chu kỳ của mặt trăng. Vì vậy, thời gian mặt trăng quay quanh trái đất và các chu kỳ mà con người trải qua trong chính mình cũng như quá trình tạo ra cơ thể này có mối liên hệ rất sâu sắc với nhau.
Trong tiếng Anh, những điều gì đó liên quan đến mặt trăng được gọi là “lunar”. Bạn có biết tiếp theo sau đó là gì không? “lunatic”! (có nghĩa là điên rồ). Mặt trăng được cho là có liên quan đến sự điên rồ vì ngoài văn hóa Ấn Độ ra, thì bất kỳ loại hành vi phi logic nào đều luôn bị coi là điên rồ. Nhưng ở đây (Ấn Độ) điều phi logic luôn được chấp nhận. Ở đây, chúng tôi gọi mặt trăng là “soma”. Soma có nghĩa là say sưa. Có sự khác biệt giữa cơn say và cơn điên, phải không? Không ai tìm kiếm sự điên rồ, nhưng con người lại tìm kiếm sự say sưa.
Người ta tìm kiếm sự say sưa bởi vì họ không biết làm thế nào để dập tắt cái logic khủng khiếp của tâm trí đang chia cắt mọi thứ thành từng mảnh. Bạn có thể không hòa hợp với bất kỳ ai trong đời, nhưng với những người bạn nhậu thì bạn thực sự rất thân thiết. Đó là bởi vì những người ngồi uống rượu cùng nhau, ở đâu đó họ đã tìm thấy một chút về sự đồng nhất. Sự logic và sự phản kháng của họ đã tan biến, và họ đã cùng nhau cười, họ đã cùng nhau hát những bài hát, có thể cùng nhau khóc, có thể cùng nhau lăn xuống mương nước. (Cười) Họ đã làm những việc mà lẽ ra họ sẽ không làm. Một người thậm chí không thể hát trong phòng tắm thế nhưng lại có thể ca hát và nhảy múa trên đường phố vì cơn say đã khiến anh ta thả lỏng một chút. Đó là bản chất của cơn say và đó là sự hấp dẫn của cơn say.
Mặt trăng được gọi là “soma”, có nghĩa là nguồn gốc của chất say. Nếu bạn đi ra ngoài vào một đêm trăng sáng, không có đèn điện, hoặc nếu bạn chỉ nhìn vào ánh trăng, dần dần bạn sẽ cảm thấy choáng váng. Bạn có nhận thấy điều này không? Nếu bạn làm những việc nhất định để hấp thụ ánh trăng vào mình, bạn sẽ thực sự say. Say với ánh trăng, nghe thật phi lý phải không?! Chúng ta cũng có thể như thế mà không cần có ánh trăng, nhưng ánh trăng làm điều đó rất tốt! Chính vì đặc tính này mà mặt trăng được gọi là “soma”, nguồn gốc của sự say sưa.
Giờ đây, khoa học yoga mang lại cho bạn niềm vui khi luôn say trong nội tâm. Hãy xem, những yogi (có nghĩa là những người luyện tập yoga) không phải là họ từ bỏ những thú vui. Chỉ là họ không sẵn lòng chấp nhận những thú vui chỉ diễn ra một cách nhỏ giọt. Họ là những người tham lam. Họ biết nếu bạn uống một ly rượu vang, bạn sẽ chỉ thấy choáng váng một chút rồi lại chẳng thấy gì, và sáng mai, bạn sẽ bị đau đầu và phải làm việc. Họ không muốn cuộc sống diễn ra như vậy. Giờ đây, với yoga, họ có thể luôn say khướt, nhưng một trăm phần trăm ổn định và tỉnh táo. Để tận hưởng cơn say bạn phải tỉnh táo, phải không? Nếu bạn uống rượu, bạn phải cố gắng tỉnh táo để có thể tận hưởng cơn say. Và đó là cách các yogi trở thành: hoàn toàn say, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Điều này không thể xảy ra bằng cách uống thứ gì đó hoặc dùng hóa chất. Thiên nhiên đã cho bạn khả năng này.
Mọi người thực hành yoga đều đang nỗ lực hướng tới điều này. Bởi vì, nếu bạn không biết đến sự say mê thiêng liêng bên trong chính mình và nếu bạn không biết đến sự tỉnh táo của tâm trí, bạn sẽ hoàn toàn bỏ lỡ cuộc sống. Cách duy nhất để cảm nhận cuộc sống một cách tốt đẹp nhất là khi bạn vừa mãnh liệt vừa hoàn toàn thư giãn. Hiện nay, vấn đề với hầu hết mọi người là nếu bạn yêu cầu họ phải mãnh liệt, họ sẽ trở nên căng thẳng. Nếu bạn yêu cầu họ thư giãn, họ sẽ trở nên buông thả. (Cười) Cả trong trạng thái buông thả và căng thẳng, bạn sẽ bỏ lỡ cuộc sống. Bây giờ bạn phải vừa mãnh liệt và vừa hoàn toàn thư giãn - điều này chỉ có thể thực hiện được nếu bạn tuyệt đối tỉnh táo, đồng thời bạn hoàn toàn say sưa.
Như tôi đã nói trước đó, trạng thái hạnh phúc này tự nó không phải là mục tiêu. Trạng thái hạnh phúc sẽ loại bỏ nỗi sợ đau khổ. Chỉ khi nỗi sợ hãi đau khổ không còn nữa, chỉ khi nỗi lo lắng về “điều gì sẽ xảy ra với mình” được loại bỏ hoàn toàn khỏi bạn, bạn mới dám khám phá cuộc sống. Nếu không thì bạn chỉ muốn tạo nên sự an toàn trong những khuôn khổ cũ. Dù bạn đi đâu cũng không quan trọng, nếu bạn không ở trong trạng thái hạnh phúc thì sự an toàn sẽ trở thành vấn đề duy nhất, phải không?
Chừng nào nỗi sợ đau khổ còn chưa được loại bỏ thì bạn sẽ không dám thực sự đi vào những chiều sâu hơn của cuộc sống. Chỉ khi bạn say như thế này - hoàn toàn say sưa trong người, nhưng hoàn toàn tỉnh táo - thì bạn mới không còn sợ đau khổ. Bây giờ bạn sẵn sàng đi bất cứ đâu. Dù bạn đi đâu, điều đó có quan trọng gì? Nếu họ yêu cầu bạn xuống địa ngục, bạn sẽ đi vào đó, bởi vì bạn không sợ đau khổ. Chỉ khi bạn ở trong trạng thái say đó bạn mới sẵn sàng khám phá cuộc sống.
Lưu ý: Bài viết được Viisha dịch từ một đoạn trong sách "Of Mystics and Mistakes". Bài viết được chuyển ngữ theo ngôn ngữ của người dịch, do đó chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc có thể tìm mua sách Of Mystics and Mistakes để tham khảo thêm.